Dựa trên chính sách khoa hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội mà pháp luật hình sự đã có quy định về miễn hình phạt miễn chấp hành hình phạt đối với họ. Điều này sẽ đem lại một lợi ích rất lớn, xứng đáng với những cố gắng cải tạo, hoàn lương mà người phạm tội đã thực hiện. Ngoài ra, đây cũng là một quy định có tính khích lệ, động viên cho người phạm tội có cơ hội trở thành công dân có ích cho xã hội.
Công ty Luật Thái An với mong muốn bằng kiến thức và kinh nghiệm lâu năm sẽ góp phần vào công cuộc đấu tranh và phòng chống tội phạm sẽ có bài viết chia sẻ quan điểm về các trường hợp miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý quy định các trường hợp miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt
Cơ sở pháp lý quy định các trường hợp miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt là:
- Bộ Luật Hình sự 2015; sửa đổi, bổ sung 2017;
- Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
2. Khái niệm miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt
- Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện. Cũng giống như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt chỉ đặt ra cho những trường hợp nếu như việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay áp dụng hình phạt đối với họ là không cần thiết, không đạt được mục đích của hình phạt hoặc trái với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam.
- Miễn chấp hành hình phạt là trường hợp người bị kết án được Tòa án quyết định cho họ không phải chấp hành một phần hoặc toàn bộ hình phạt của bản án đã tuyên khi họ có đủ các điều kiện do Bộ luật Hình sự quy định.
Miễn chấp hành hình phạt khác với miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng. Miễn trách nhiệm hình sự được các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử khi có các tình tiết phù hợp với quy định của pháp luật.
Miễn hình phạt được Tòa án áp dụng trong giai đoạn xét xử; người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Miễn chấp hành hình phạt được áp dụng trong giai đoạn thi hành án hình sự khi có các căn cứ theo quy định của pháp luật.
===>>> Xem thêm: Các trường hợp miễn trách nhiệm hình phạt.
3. Quy định về miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt
a) Quy định về miễn hình phạt
Trường hợp miễn hình phạt được quy định tại Điều 59 BLHS 2015 như sau:
Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Miễn hình phạt đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội chỉ đặt ra cho những trường hợp nếu như việc áp dụng hình phạt là không cần thiết, không đạt được mục đích của hình phạt hoặc trái với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam.
Trong thực tế có những trường hợp phạm tội, nếu áp dụng hình phạt đối với họ sẽ không đạt mục đích của hình phạt thì việc truy cứu TNHS hay áp dụng hình phạt đối với những trường hợp này là không cần thiết. Vì vậy pháp luật đã có những quy định để miễn hình phạt
Theo Điều 59, người bị kết án có thể được miễn hình phạt nếu thỏa mãn các điều kiện sau: Phải thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của BLHS năm 2015 (tức là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phải là người giúp sức, phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể); người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt và người phạm tội chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Những trường hợp được miễn hình phạt thường là những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp ít nghiêm trọng không có hoặc có tình tiết tăng nặng nhưng không đáng kể mà lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể; người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả…
===>>> Xem thêm: Các hình phạt đối với người phạm tội hình sự.
b) Quy định về miễn chấp hành hình phạt
Các trường hợp, điều kiện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 62 BLHS, chúng tôi xin phân tích như sau:
- Người được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
Nghĩa là người bị kết án đang chấp hành hình phạt nhưng không phải chấp hành hình phạt nữa (được tha) khi có quyết định đặc xá, đại xá đối với họ. Theo Luật đặc xá quy định: “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”.
Như vậy chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền quyết định đặc xá. Quy định này đã loại trừ các đối tượng được đặc xá như người bị kết án tử hình, người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang bị truy tố thì không được xem xét đặc xá. Ngoài ra, để được đặc xá thì người đó cần đáp ứng các yêu cầu do pháp luật quy định như có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt, không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự…
Cần lưu ý: người được đặc xá được miễn chấp hành hình phạt còn lại nhưng không được xóa án tích ngay và vẫn có tiền án trong lý lịch tư pháp.
Đại xá là sự khoan hồng của Nhà nước nhằm tha tội hoàn toàn cho một số loại tội phạm nhất định với hàng loạt người phạm tội nhân sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. Khác với đặc xá, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đại xá. Đối tượng có thể áp dụng đại xá là những người phạm tội trong bất kỳ giai đoạn nào, từ truy tố, xét xử đến thi hành án. Người được đại xá trở thành người không có tội. Đồng thời, cũng không có án tích trong lý lịch tư pháp của mình.
Việc pháp luật quy định về đặc xá, đại xá đã thể hiện một cách toàn diện chính sách nhân đạo với người phạm tội, khích lệ họ cải tạo tốt, trung thực, tạo cơ hội để trở về hòa nhập cộng đồng, là nhiều điều có ích cho xã hội. Chỉ có như vậy, mục tiêu lớn nhất của hình phạt là giáo dục và cải tạo phạm nhân mới đạt được kết quả.
===>>> Xem thêm: Các căn cứ quyết định hình phạt.

- Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 62 BLHS.
Hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính, buộc người phạm tội phải cải tạo, giáo dục tại nơi làm việc, học tập, cư trú dưới sự giám sát của các cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập hoặc của chính quyền địa phương, nơi họ cư trú (Điều 36 BLHS 2015).
Theo Điều 38 BHLS chúng ta có thể hiểu tù có thời hạn là hình phạt chính, buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định để giáo dục, cải tạo họ.
Với hai hình phạt này, người bị kết án nếu muốn được miễn chấp hành hình phạt thì phải đáp ứng một trong các trường hợp sau:
-
-
Thứ nhất là lập công lớn: Đây là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản (có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) của nhà nước, tập thể, của công dân hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận. Như tham gia phá án, cứu người…
- Mắc bệnh hiểm nghèo: là trường hợp người chấp hành án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
- Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Có nghĩa rằng người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua của địa phương, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án.
-
Người có thẩm quyền đề nghị miễn chấp hành hình phạt trong trường hợp này đó là Viện trưởng Viện kiểm sát.
===>>> Xem thêm: Quyết định hình phạt trong trường hợp cụ thể.
Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nêu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt (khoản 3 Điều 62).
Quy định này giống quy định tại khoản 2 Điều 62 BLHS ở các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt. Bao gồm: lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, ở khoản 3 chủ thể bị kết án phạt tù trên 03 năm, còn ở khoản 2 thì chủ thể có thể là người người bị kết án cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
-
Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nêu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Như vậy, để tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Người bị kết án phạt tù đến 03 năm
- Được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
- Trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội.
Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là trường hợp người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù, nhưng vì một số lý do mà người phạm tội được xin tạm ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định.
Các lí do đó có thể là: bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
Lập công khác với lập công lớn trong các quy định trên, đây là trường hợp người chấp hành án có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, chiến đấu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận.
Nếu đáp ứng các điều kiện mà chúng tôi đã nêu trên thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Đây là trường hợp người phải chấp hành án có nhiều nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều thành tích trong công tác, học tập.. được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận bằng các hình thức khen thưởng hoặc cấp chứng nhận. Chính sách này đã phát huy tốt tác dụng khi thúc đẩy người phạm tội hoàn lương, trở thành công dân tốt.
-
Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn
Phạt tiền là hình phạt buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước. Hình phạt phạt tiền tước đi lợi ích vật chất của người phạm tội, tác động đến tình trạng tài sản của họ và thông qua đó tác động đến ý thức, thái độ của người phạm tội.
Quy định này đòi hỏi người bị kết án phạt tiền lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn. Người bị kết án vào trường hợp này sẽ phải theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
- Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì có thể được Tòa án cho miễn chấp hành hình phạt còn lại trên cơ sở đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt. Như vậy, để được miễn chấp hành hình phạt trong trường hợp này phải đáp ứng 3 điều kiện là:
- Nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt
- Cải tạo tốt
- Đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt.
Có thể hiểu cấm cư trú là là hình phạt bổ sung, buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định. Hình phạt này được áp dụng cho người bị phạt tù khi xét thấy có khả năng họ sẽ phạm tội ở một số địa phương nào đó sau khi chấp hành xong hình phạt tù
Theo Điều 43 BLHS 2015 có thể hiểu: quản chế là hình phạt bổ sung, buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương.
Khác với các trường hợp trên, khi miễn chấp hành hình phạt trong trường hợp này thì do nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt chứ không do đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát.
===>>> Xem thêm: Các trường hợp giảm hình phạt, miễn chấp hành hình phạt.
Lưu ý: Người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.
Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về các trường hợp miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt. Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, luật pháp đã có thể thay đổi các quy định liên quan. Hãy gọi tới Tổng đài tư vấn Luật Hình Sự. Bạn sẽ được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về các vấn đề liên quan tới tội phạm hình sự.
4. Dịch vụ luật sư bào chữa hình sự của Luật Thái An
Hiến pháp nước ta và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đều quy định về quyền được thuê luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa hoặc người khác bào chữa”. Sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa, người phạm tội sẽ được bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
===>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.