Ly hôn khi vợ đang mang thai

Khi một đứa trẻ sắp chào đời, đó thường là khoảnh khắc đầy hạnh phúc và kỳ vọng. Nhưng đối với những cặp vợ chồng đang cân nhắc ly hôn trong giai đoạn này, mỗi quyết định đều mang theo những cảm xúc tiêu cực, phức tạp cũng như chịu ảnh hưởng của các vấn đề pháp lý. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về việc ly hôn khi vợ đang mang thai trong bài viết dưới đây của luật sư Công ty Luật Thái An.

1. Ai có quyền yêu cầu ly hôn?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Do đó, cần xác định ai là đối tượng được quyền yêu cầu ly hôn. Căn cứ khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn gồm:

  • Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
  • Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

2. Chồng có được ly hôn khi vợ đang mang thai không?

Công ty Luật Thái An thường nhận được câu hỏi: “Chồng có được ly hôn khi vợ đang mang thai không?” từ cả người vợ lẫn người chồng. Câu trả lời không đơn giản vì còn tuỳ từng trường hợp. Trước hết, hãy xem pháp luật quy định như thế nào về quyền yêu cầu ly hôn:

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu ly hôn như sau:

“1.Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2.Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3.Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo đó, người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đó là:

  • Vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng
  • Cha, mẹ, người thân thích khác là người có quyền yêu cầu Tòa án ly trong trường hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, pháp luật cũng hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng, đó là khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Quy định này đưa ra nhằm bảo về quyền và lợi ích của người vợ, người mẹ cũng như đứa con đang trong thai kỳ. Người chồng sẽ không được yêu cầu ky hôn nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Do đó, người chồng không có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn khi vợ đang mang thai.

ly hôn khi mang thai
Vợ đang mang thai có được ly hôn ? – ảnh: Luật Thái An

3. Pháp luật có quy định về các cách thức khác để ly hôn khi vợ đang mang thai không?

Theo quy định về quyền yêu cầu ly hôn được nêu tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chỉ người chồng là người bị hạn chế về quyền yêu cầu đơn phương ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Do đó, khi chồng có yêu cầu ly hôn đơn phương Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết.

Tuy nhiên vẫn có thể ly hôn khi vợ đang mang thai, đó là khi người vợ yêu cầu ly hôn hoặc đồng ý ly hôn.

  •  Có thể ly hôn khi vợ đang mang thai nếu người vợ yêu cầu ly hôn

Nếu người vợ yêu cầu ly hôn (người chồng không đồng ý ly hôn) thì Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với vụ án ly hôn đơn phương (xem thêm: Ly hôn đơn phương là như thế nào?).

Pháp luật không hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người vợ.

  • Có thể ly hôn khi vợ đang mang thai nếu người vợ đồng ý ly hôn (xem thêm: Ly hôn thuận tình là gì ?)

Tuy nhiên, khi cả hai vợ chồng đều đồng ý về việc ly hôn và thỏa thuận được vấn đề quyền nuôi con, cấp dưỡng, phân chia tài sản (thuận tình ly hôn)  thì Tòa án vẫn sẽ tiếp nhận và giải quyết theo yêu cầu ly hôn (giải quyết theo thủ tục việc dân sự – ly hôn thuận tình).

  • Trường hợp người vợ không đồng ý về việc giải quyết ly hôn, người chồng cần chờ đến khi con được sinh ra và đủ 12 tháng tuổi thì yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng sẽ được Tòa án giải quyết.
Có 2 cách để ly hôn khi vợ đang mang thai
Có 2 cách để ly hôn khi vợ đang mang thai – Nguồn: Luật Thái An

4. Thủ tục ly hôn khi vợ đang mang thai

4.1. Thủ tục đơn phương ly hôn khi vợ đang mang thai

Thủ tục đơn phương ly hôn khi vợ mang thai được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Như phân tích ở phần trên, người chồng không được quyền ly hôn khi vợ đang mang thai cho nên người có quyền ly hôn trông trường hợp này là người vợ.

Hồ sơ để ly hôn trong trường hợp này bao gồm:

  • Mẫu đơn ly hôn đơn phương (xem thêm: Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn đơn phương)
  • Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao công chứng);
  • Giấy khai sinh của các con (bản sao công chứng);
  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản của cả hai vợ chồng (bản sao công chứng).
  • Sổ hộ khẩu của vợ và chồng (bản sao công chứng) tuy nhiên từ ngày 01/01/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng mà mọi thông tin liên quan đến cư trú được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các giấy tờ cần chuẩn bị để ly hôn khi vợ đang mang thai
Các giấy tờ cần chuẩn bị để ly hôn khi vợ đang mang thai – Nguồn: Luật Thái An

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ được nộp tại TAND cấp huyện nơi cư trú hoặc làm việc của người chồng.

  • Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Chánh án Tóa án phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
  • Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán được giao giải quyết vụ án đưa ra một trong các quyết định: Sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện/ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án/ Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền/ trả lại đơn cho người khởi kiện nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung.

Thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng.

Xem thêm:

https://luatthaian.vn/luat-hon-nhan/ly-hon/nop-don-ly-hon/

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí

Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Không nộp theo thời hạn quy định thì Tòa án sẽ trả lại đơn cho người khởi kiện. Sau khi nộp biên lai tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ xem xét việc thụ lý đơn xin đơn phương ly hôn.

Xem thêm:

An phí ly hôn, lệ phí ly hôn: Những điều cần biết

Bước 4: Chuẩn bị xét xử vụ án, tiến hành hòa giải

Tòa án sẽ tiến hành tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

  • Nếu trường hợp hòa giải thành công, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành. Trong thời hạn 07 ngày nếu các bên không thay đổi ý kiến thì Tòa sẽ rá quyết định công nhận hòa giải thành.
  • Trường hợp hòa giải không thành công, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Quyết định đưa vụ án ra xét xử và ra Bản án

Nếu xem xét đủ điều kiện thì Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Có thể gia hạn thời hạn này nhưng không quá 02 tháng. Kết thúc phiên tòa, kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án.

4.2 Thủ tục thuận tình ly hôn khi vợ đang mang thai

Sau đây là các bước thủ tục thuận tình ly hôn khi vợ đang mang thai:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Nếu người chồng thuyết phục được người vợ về việc hai vợ chồng thuận tình ly hôn thì sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ như sau:

  • Mẫu đơn yêu cầu thuận tình ly hôn
  • Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao chứng thực);
  • Giấy khai sinh của các con (bản sao chứng thực);
  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản của cả hai vợ chồng (bản sao chứng thực).

Cả hai vợ chồng phải ký vào đơn ly hôn.

Bước 2: Nộp đơn lên Tòa để giải quyết thuận tình ly hôn

Hồ sơ thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn được nộp tại Tòa án nhân dân huyện nơi người chồng hoặc người vợ đang sinh sống.

Đó có thể là nơi đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú của vợ hoặc chồng.

Bạn sẽ nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận một cửa/bộ phận tiếp dân của Tòa án nhân dân huyện đó.

Bước 3: Nộp lệ phí ly hôn thuận tình

Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ được Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí tại Cục thi hành án dân sự.

Theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH án phí thuận tình ly hôn sẽ là 300.000 VNĐ.

Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí thì vụ việc của bạn sẽ được tòa án thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung.

Bước 4: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trong thời gian này, Tòa án sẽ phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Khi đó, Thẩm phán sẽ tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, giải thích quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ với con, về trách nhiệm cấp dưỡng

Bước 5: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn

Trong trường hợp hòa giải thành, vợ chồng sẽ đoàn tụ với nhau thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn của hai người.

Nếu hòa giải không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.

Các bước ly hôn thuận tình khi vợ đang mang thai
Các bước ly hôn thuận tình khi vợ đang mang thai – Nguồn: Luật Thái An

Như vậy, nhìn chung hồ sơ, thủ tục thuận tình ly hôn khi vợ đang mang thai cũng không có sự khác biệt so với thủ tục thông thường.

5. Con sinh ra sau ly hôn có được tính là con chung hay không?

Ly hôn khi vợ đang mang thai sẽ phức tạp hơn các trường hợp ly hôn khác do các vấn đề liên quan tới đứa trẻ trong bụng mẹ. Sau khi ly hôn thì đứa trẻ sẽ là con ai? Nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ sẽ được các bên thực hiện ra sao? Đó là vấn đề người vợ và người chồng phải suy nghĩ cho thấu đáo.

Theo quy định của Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì một đứa trẻ được xác định là con chung trong các trường hợp sau đây:

Con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân

Trong thời gian hai người có quan hệ hôn nhân, người vợ mang thai và sinh con thì đứa bé đương nhiên là con chung của cả hai vợ chồng.

Tuy nhiên, nếu người cha hoặc người mẹ không thừa nhận đây là con chung thì phải đưa ra được bằng chứng và phải được Tòa án công nhận.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng

Trước khi đăng ký kết hôn, người vợ đã có thai và sinh con. Trong trường hợp này, nếu hai người thừa nhận đây là con chung của mình thì đứa bé cũng được pháp luật công nhận là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân

Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết. Sau 300 ngày kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt mà con được sinh ra thì đứa bé vẫn được xem là con chung của hai vợ chồng (căn cứ Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình).

Do đó, khi con được sinh ra sau ly hôn vẫn có thể được coi là con chung nếu thời gian đứa bé được sinh ra không quá 300 ngày tính từ ngày bản án ly hôn của Tòa án có hiệu lực.

Như vậy, cho dù vợ chồng đã ly hôn thì đứa bé sinh ra vẫn là con của hai người, và cha mẹ có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, chăm sóc, giáo dục cho con đầy đủ.

6. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn

  • Cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
  • Người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật. Trong đó, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền, tài sản để lo cho nhu cầu cơ bản của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng mà không chung sống với mình.
  • Những người được cấp dưỡng là: Người chưa thành niên; Người đã thành niên mà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi sống bản thân; Người gặp khó khăn trong cuộc sống theo quy định của pháp luật.

Do vậy, sau khi ly hôn khi vợ đang mang thai, người không trực tiếp nuôi dưỡng con sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con

7. Những lưu ý trước khi quyết định ly hôn khi vợ đang mang thai

Quyết định ly hôn khi vợ đang mang thai đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng về mặt cảm xúc, tâm lý và pháp lý. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

  • Tác động tâm lý: Mang thai là một quá trình đầy cảm xúc và thách thức. Việc ly hôn trong thời gian này có thể tăng cường áp lực và stress cho người mẹ và thai nhi.
  • Trách nhiệm đối với đứa trẻ: Dù quyết định ly hôn, bạn cần xác định trách nhiệm và vai trò của mình đối với đứa trẻ sau khi nó sinh ra. Cần hiểu rằng việc khai sinh cho cháu sẽ gặp nhiếu khó khăn, rất có thể giấy khai sinh sẽ để trống phần khai về người cha. Hoặc nếu không thực hiện khai sinh hoặc chậm trễ khai sinh sẽ dẫn tới nhiều phiền hà khi thực hiện nhiều thủ tục cho cháu bé, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cháu, cũng như của người mẹ
  • Tài chính: Bạn có thể phải đối diện với trách nhiệm tài chính đối với vợ và đứa trẻ, như hỗ trợ tài chính, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.

>>> Xem thêm: Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

  • Hỗ trợ và tư vấn: Cân nhắc việc tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia như luật sư, tâm lý học hoặc người tư vấn hôn nhân.
  • Phản ứng của gia đình và xã hội: Hãy sẵn sàng đối mặt với các phản ứng từ gia đình, bạn bè và xã hội. Việc ly hôn trong thời kỳ mang thai có thể gây ra sự phán đoán, nghi ngờ về cha đứa trẻ, về những mâu thuẫn trầm trọng giữa hai vợ chồng. Việc ly hôn khi mang thai cũng có thể dấn đến sự thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng và gia đình, khiến cho việc đi qua giai đoạn này trở nên khó khăn hơn.
  • Tương lai của đứa trẻ: Suy nghĩ về tác động của quyết định này đối với đứa trẻ sau khi nó chào đời. Quyết định của bạn có thể ảnh hưởng đến môi trường nuôi dưỡng đứa trẻ lớn lên, cũng như các cơ hội cho cháu bé.

Ly hôn khi vợ đang mang thai không chỉ liên quan đến quan hệ vợ chồng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến một sinh linh đang chào đời. Lưu ý rằng mỗi quyết định đều có những hậu quả và trách nhiệm đi kèm, và sự cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi bước đi là cần thiết.

8. Kết luận

Như vậy, pháp luật Việt Nam không cho phép người chồng ly hôn khi vợ đang mang thai, tuy nhiên vẫn có thể ly hôn khi vợ đang mang thai khi người vợ yêu cầu ly hôn hoặc đồng ý ly hôn. Theo đó, vấn đề ly hôn sẽ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người vợ trên cơ sở phân tích các hệ quả liên quan đến việc ly hôn

Sử dụng dịch vụ của một luật sư tư vấn pháp luật ly hôn trong trường hợp ly hôn khi vợ mang thai là điều vô cùng quan trọng và có thể ảnh hưởng đến kết quả của quyết định ly hôn. Luật sư sẽ đảm bảo quyền lợi của bạn được bảo vệ tốt nhất trong quá trình xét xử, từ việc phân chia tài sản đến việc xác định trách nhiệm nuôi dưỡng con cái.

Nguyễn Văn Thanh