Hợp đồng gia công: Tất cả những gì bạn cần biết!

Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam thực hiện các đơn đặt hàng gia công cho các công ty nước ngoài. Do vậy, hợp đồng gia công hàng hóa là vấn đề các doanh nghiệp này phải hết sức quan tâm. Bộ Luật Dân sự 2015Luật thương mại 2005 đã có những quy định và hướng dẫn cụ thể về nội dung của hợp đồng gia công.

 

BẠN HÃY XEM VIDEO NÀY ĐỂ HIỂU RỦI RO TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIA CÔNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA 

NHANH NHẤT

 

1. Hợp đồng gia công là gì ?

Theo Điều 542 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Ngoài ra, Luật Thương mại cũng quy định hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa theo yêu cầu của bên đặt gia công với mục đích là hưởng thù lao, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền thù lao.

2. Hình thức của hợp đồng gia công

Theo quy định của pháp luật dân sự thì hợp đồng gia công có được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

Đối với các loại hợp đồng gia công mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

Chẳng hạn: Đối với Hợp đồng gia công được giao kết giữa các chủ thể là thương nhân hoặc hoặc một bên là thương nhân với một bên không phải là thương nhân nhưng lựa chọn áp dụng Luật Thương mại thì Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (theo Điều 179 Luật Thương mại năm 2005).

Hình thức hợp đồng gia công
Pháp luật có quy định về hình thức hợp đồng gia công. – ảnh: Luật Thái An

3. Ngôn ngữ của hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công phải được lập bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nếu sử dụng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì hợp đồng cần quy định thứ tiếng nào ưu tiên hơn khi có sự khác biệt trong diễn đạt bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, vì các lý do sau:

  • Khi thực hiện các thủ tục hành chính mà cần phải nộp hợp đồng thì hợp đồng gia công phải bằng tiếng Việt do các cơ quan nhà nước Việt Nam sử dụng tiếng Việt.
  • Khi có tranh chấp hợp đồng và các bên yêu cầu Toà án giải quyết thì hợp đồng gia công bằng tiếng Việt sẽ thuận lợi hơn nhiều do Toà án làm việc bằng tiếng Việt.

4. Rủi ro tranh chấp từ hợp đồng gia công là gì?

Hợp đồng gia công tiềm ẩn những rủi ro tranh chấp ngay từ khi hợp đồng được ký kết. Đó là những tranh chấp gì?

  • Tranh chấp liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng
  • Tranh chấp hợp đồng gia công do giao sản phẩm không đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận tại hợp đồng
  • Tranh chấp hợp đồng do bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm
  • Tranh chấp hợp đồng khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán
  • Tranh chấp hợp đồng gia công do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng

Để tìm hiểu kỹ hơn về rủi ro tranh chấp hợp đồng gia công và cách phòng ngừa, bạn vui lòng xem bài sau:

>>> Xem thêm:Tranh chấp hợp đồng gia công và cách phòng ngừa

Để giảm thiểu rủi ro tranh chấp, việc soạn thảo hợp đồng là hết sức quan trọng. Bạn cần phải xin ý kiến tư vấn của luật sư trước khi giao kết hợp đồng, để đảm bảo các điều khoản của hợp đồng là chặt chẽ, đầy đủ và bảo vệ quyền lợi của bạn tốt nhất:

5. Soạn thảo hợp đồng gia công như thế nào?

Mẫu hợp đồng gia công có tại bài viết này:

Mẫu hợp đồng gia công hàng hoá

Hợp đồng gia công cần có các điều khoản cơ bản sau:

các điều khoản cơ bản của hợp đồng gia công
Các điều khoản cơ bản của hợp đồng gia công – Ảnh: Luật Thái An

a. Các bên trong hợp đồng gia công

Các bên trong hợp đồng gia công có thể là cá nhân và/hoặc pháp nhân:

Nếu một hoặc các bên là pháp nhân thì hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau:

  • Tên pháp nhân
  • Giấy chứng nhận đăng ký / Giấy phép hoạt động
  • Mã số thuế
  • Địa chỉ trụ sở chính
  • Điện thoại, Email
  • Người đại diện ký hợp đồng: là người đại diện theo pháp luật (theo quy định tại Điều lệ hoạt động) hoặc người đại diện theo uỷ quyền. Nếu là người đại diện theo uỷ quyền thì cần đảm bảo là giấy uỷ quyền hợp lệ được cung cấp

Nếu điều lệ của pháp nhân quy định việc giao kết hợp đồng (thường với giá trị lớn) cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nội bộ (như hội đồng thành viên trong công ty TNHH hay đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị trong công ty cổ phần) thì việc giao kết hợp đồng gia công cũng cũng cần được chấp thuận như vậy.

Lưu ý quan trọng: Hợp đồng gia công sẽ không có hiệu lực nếu các bên (hoặc người đại diện của các bên) không có thẩm quyền giao kết hợp đồng. Hay nói cách khác, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu và hậu quả là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường.

>>> Xem thêm: Hợp đồng vô hiệu

Nếu một hoặc các bên là cá nhân thì hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau:

  • Họ tên
  • Ngày tháng năm sinh
  • Giới tính
  • Căn cước công dân
  • Địa chỉ
  • Điện thoại

Khi một bên là cá nhân trong hợp đồng thì cần đảm bảo cá nhân đó là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nếu không thì hợp đồng có thể bị vô hiệu. Lưu ý các trường hợp sau:

  • Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng gia công là người bị mất hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (người nghiện, người thiểu năng trí tuệ…), thì ký hợp đồng thông qua người đại diện hợp pháp.
  • Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng gia công là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc ký hợp đồng phải thực hiện bởi người đại diện hợp pháp
  • Một người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thực hiện hợp đồng bằng tài sản riêng của mình thì mới đủ năng lực ký kết hợp đồng.

b. Đối tượng của hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công cần quy định rõ mẫu hàng hoá được gia công cùng các tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng.

Căn cứ điều 180 Luật thương mại 2005, tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ các loại hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Trường hợp hàng hóa được gia công cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, có thể được gia công ở Việt Nam nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

===>>> Xem thêm: Điều kiện đối với đối tượng của hợp đồng

b. Thù lao gia công

Hơp đồng gia công cần ghi rõ thù lao gia công.

Bên nhận gia công có thể nhận thù lao gia công bằng tiền hoặc bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công.

Trường hợp nhận thù lao gia công bằng sản phẩm, máy móc, thiết bị gia công thì bên nhận gia công phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện về nhập khẩu đối với các sản phẩm, máy móc, thiết bị đó.

Trường hợp không có thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm thanh toán.

Căn cứ điều 183 Luật thương mại 2005.

c. Thanh toán tiền gia công

Hơp đồng gia công cần quy định rõ các lần thanh toán gồm:

  • Số tiền (hoặc % giá trị hợp đồng)
  • Thời điểm thanh toán
  • Phương thức thanh toán

Lưu ý:

  • Nên quy định chế tài khi chậm thanh toán.
  • Về đồng tiền thanh toán: nếu các bên trong hợp đồng là cá nhân, pháp nhân Việt Nam thì đồng tiền thanh toán trong hợp đồng phải bằng VNĐ, căn cứ Điều 3, Thông tư 32/2013/TT-NHNN. Nếu không, hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật và sẽ bị tuyên vô hiệu: các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường.

>>> Xem thêm:

Bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng như yêu cầu do nguyên liệu gia công do bên đặt gia công cung cấp hoặc do những hướng dẫn không đúng của bên đặt gia công thì bên đặt gia công vẫn phải thanh toán như đã quy định trong hợp đồng.

===>>> Xem thêm: Các phương thức thanh toán trong hợp đồng

Dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng gia công
Dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng gia công uy tín. – Ảnh nguồn Internet

d. Thanh lý nguyên vật liệu khi hợp đồng gia công chấm dứt

Khi hợp đồng gia công hàng hóa chấm dứt, bên nhận gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu bên gia công muốn mua lại nguyên vật liệu thì hai bên thỏa thuận và làm phụ lục hợp đồng hoặc một hợp đồng riêng.

e. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công

Bên đặt gia công có các nghĩa vụ sau:

  • Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
  • Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
  • Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.

Bên đặt gia công có các quyền sau:

  • Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
  • Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
  • Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng thì bên đặt gia công yêu cầu sửa chữa trong thời hạn nhất định. Nếu bên nhận gia công không thực hiện được thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

f. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công

Bên nhận gia công có các nghĩa vụ sau:

  • Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
  • Nếu nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng thì thông báo cho bên đặt gia công, yêu cầu thay đổi.
  • Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
  • Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
  • Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
  • Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.

Bên nhận gia công có các quyền sau:

  • Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
  • Nếu nhận thấy những chỉ dẫn, hướng dẫn của bên đặt gia công không hợp lý và có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm thì có quyền yêu cầu cho bên đặt gia công xử lý, sửa đổi.
  • Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận.

g. Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công

  • Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.

g. Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công

  • Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.

h. Chuyển giao công nghệ trong gia công với tổ chức, cá nhân nước ngoài

Việc chuyển giao công nghệ trong gia công với tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng gia công và phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển giao công nghệ.

hợp đồng gia công
Những điều bạn cần phải lưu tâm khi lý kết hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật mới nhất – Ảnh minh họa: Internet.

===>>> Xem thêm: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng

k. Bảo mật thông tin hợp đồng gia công

Đối tượng của hợp đồng gia công có thể là hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường, được nhiều bên nhòm ngó. Do đó, hợp đồng có thể quy định là bên nhận gia công có trách nhiệm bảo mật tất cả các thông tin liên quan tới hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như sau khi kết thúc hợp đồng.

===>>> Xem thêm: Quy định về bảo mật trong hợp đồng

l. Quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng gia công

Mặc dù hàng hoá gia công là do bên nhận gia công thực hiện nhưng họ không có bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào đối với hàng hoá đó: không có quyền về kiểu dáng công nghiệp sáng chế, quyền tác giả hay quyền nhãn hiệu. Hợp đồng gia công nên quy định rõ điều này để phòng ngừa tranh chấp sau khi kết thúc hợp đồng.

===>>> Xem thêm: Quyền SHTT đối với đối tượng của hợp đồng

m. Các chế tài trong hợp đồng gia công

a. Các chế tài theo quy định của pháp luật

Đây là các chế tài áp dụng khi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Hợp đồng gia công nên có các quy đinh này để các bên hiểu và thực hiện đúng. Tuy nhiên, nếu không được quy định trong hợp đồng thì khi xẩy ra vi phạm, bên bị vi phạm vẫn có thể áp dụng các chế tài này:

Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng gia công

Theo điều 297 Luật thương mại 2005

>>> Xem thêm: Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Chế tài phạt vi phạm

Theo điều 300, 301, 307 Luật thương mại 2005:

  • Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
  • Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.
  • Chế tài này có thể áp dụng đồng thời với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng / huỷ bỏ bợp đồng / tạm ngừng thực hiện hợp đồng, trừ khi các bên có thoả thuận khác.

>>> Xem thêm: Chế tài phạt vi phạm hợp đồng

Chế tài buộc bồi thường thiệt hại

Theo điều 302, 303, 304, 305, 307, 316 Luật thương mại 2005:

  • Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
    • Có hành vi vi phạm hợp đồng gia công;
    • Có thiệt hại thực tế;
    • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
  • Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
  • Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
  • Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm – điều 302 Luật thương mại 2005.
  • Chế tài này có thể áp dụng đồng thời với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng / huỷ bỏ bợp đồng / tạm ngừng thực hiện hợp đồng, trừ khi các bên có thoả thuận khác.

>>> Xem thêm: Chế tài bồi thường thiệt hại

Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng gia công

Theo điều 308, 309 Luật thương mại 2005: Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

>>> Xem thêm: Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng gia công

Theo điều 310, 311 Luật thương mại 2005

>>> Xem thêm: Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng

Chế tài huỷ bỏ hợp đồng gia công

Theo điều 312, 313, 314 Luật thương mại 2005

  • Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.
  • Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.
  • Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
  • Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
    • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
    • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng (theo điều 314 Luật thương mại 2005):

  • Sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.
  • Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.
  • Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc tạm ngừng, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại (theo điều 315 Luật thương mại 2005).

>>> Xem thêm: Chế tài huỷ bỏ hợp đồng

Chế tài trả lãi chậm trả:

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, căn cứ điều 306 Luật thương mại 2005.

b. Các chế tài theo thoả thuận

Ngoài các chế tài theo quy định của pháp luât, các bên cũng có thể thoả thuận các chế tài khác, miễn là không trái luật. Đó có thể là:

  • Phạt vi phạm
  • Các khoản thanh toán theo thoả thuận:
    • Bồi hoàn đối với vi phạm cụ thể mà không phải là bồi thường thiệt hại (thí dụ: Bồi hoàn khi vi phạm về cam đoan, bảo đảm
    • Bồi hoàn về chi phí pháp lý (thí dụ: chi phí tố tụng)
    • Các khoản bồi hoàn khác

Lưu ý:

  • Các chế tài trên có thể áp dụng đối với vi phạm hợp đồng nói chung chứ không chỉ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng
  • Nếu hợp đồng không có điều khoản này thì nếu có sự vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bên bị vi phạm sẽ không thể yêu cầu phạt bên vi phạm.

n. Các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng gia công

Khoản 2 điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo điều 156 Bộ luật dân sự 2015:

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy là nếu các bên không có thoả thuân khác trong hợp đồng thì nếu xẩy ra sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm.

Để bảo vệ quyền lợi của một bên, luật sư sẽ soạn điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng theo hướng thu hẹp phạm vi miễn trách nhiệm do bất khả kháng, thí dụ:

  • hợp đồng có thể quy định là khi phát sinh sự kiện bất khả kháng, bên còn lại có quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên bị ảnh hưởng thanh toán một khoản tiền theo quy định trong hợp đồng;
  • hợp đồng có thể quy định không áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng và khi phát sinh sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng không được miễn trừ trách nhiệm.

>>> Xem ngay: Các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng

o. Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng gia công

Điều 294 Luật thương mại 2005 quy định:

Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.”

Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Điều này có nghĩa là mặc dù hợp đồng không quy định về miễn trách nhiệm thì khi xẩy ra các sự kiện như trên thì một bên có thể yêu cầu được miễn trách nhiệm.

Còn nếu các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng về việc KHÔNG áp dụng một hoặc vài trường hợp miễn trách nhiệm trên thì thoả thuận này sẽ được tôn trọng.

>>> Xem thêm: Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng

p. Thời hạn của hợp đồng gia công

Hai bên thoả thuận thời hạn thực hiện hợp đồng.

q. Chấm dứt hợp đồng gia công

Hợp đồng sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

  • Theo thoả thuận giữa các bên
  • Khi thời hạn hợp đồng chấm dứt
  • Trường hợp một bên vi phạm các cam kết, đảm bảo thì bên kia có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ bỏ và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp một bên vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ theo hợp đồng thì bên kia có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hoặc hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công, bên chấm dứt phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.

Bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

l. Các cam kết, bảo đảm trong hợp đồng gia công

Các bên nên có các cam kết, bảo đảm trong hợp đồng, đó có thể là các cam kết về:

  • việc ký hết hợp đồng có được chấp thuận nội bộ
  • việc có được chấp thuận của cơ quan nhà nước (trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện bị cấm tại nước nhận gia công)
  • tài sản là đối tượng của hợp đồng gia công thuộc sở hữu hợp pháp của bên đặt gia công, không bị tranh chấp với bên thứ ba

Mục đích của các cam kết này là đề phòng trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên nhận thấy những cam kết của bên kia không đúng thì:

  • có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại theo quy định trong hợp đồng
  • tuyên bố hợp đồng đã được giao kết do nhầm lẫn, không trung thực, lừa đảo, do đó hợp đồng có thể bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Lưu ý: Nếu không có những điều khoản này thì sau này sẽ không thể có chế tài để xử lý.

m. Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp hợp đồng gia công:

Điều khoản luật áp dụng và giải quyết tranh chấp có tính chất tiêu chuẩn trong hợp đồng. Trong quá trình soạn thảo và đàm phán hợp đồng, đôi khi các bên không để ý tới điều khoản này. Nhưng khi phát sinh tranh chấp, điều khoản này có ảnh hưởng lớn đến cách thức giải quyết tranh chấp. Quy định không rõ ràng có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý bất lợi đối với một hoặc các bên trong hợp đồng.

Khi các bên có tranh chấp và nếu thỏa thuận chọn pháp luật nào điều chỉnh hợp đồng thì pháp luật nước đó sẽ được áp dụng để xác định những vấn đề cơ bản của hợp đồng, đó là:

  • hợp đồng có hiệu lực hay không?
  • nội dung của hợp đồng có phù hợp hay không? nếu nội dung hợp đồng không rõ ràng thì cần được giải thích như thế nào?
  • hợp đồng có bị vi phạm không và các biện pháp khắc phục là gì? bên vi phạm có được miễn trách nhiệm không?

Điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng sẽ xác định cơ quan xét xử và thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp hợp đồng gia công có thể được giải quyết bởi tại tòa án và trọng tài Việt Nam, tòa án và trọng tài nước ngoài.

Đặc biệt, đối với hợp đồng gia công có yếu tố nước ngoài (thí dụ: bên đặt gia công là công ty nước ngoài, có vốn nước ngoài…) thì các bên có thể lựa chọn pháp luật nước ngoài điều chỉnh hợp đồng và cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài. Nhưng việc lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp nào lại vô cùng quan trọng: nó có thể rất rủi ro với một bên trong hợp đồng.

Việc xác định cơ quan giải quyết tranh chấp là quan trọng do nó sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại, chi phí kiện tụng và chi phí thuê luật sư khi theo kiện.

KẾT LUẬN:

Trong thời đại kinh tế toàn cầu, việc ký kết hợp đồng gia công ngày càng phổ biến. Để đảm bảo quyền lợi của các bên và tuân thủ đúng pháp luật, việc có sự hỗ trợ từ một luật sư tư vấn hợp đồng gia công là cần thiết. Họ giúp xác định các điều khoản, rủi ro và giải quyết tranh chấp, nếu có. Việc tư vấn kỹ lưỡng từ người am hiểu pháp luật không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi mà còn đem lại sự yên tâm khi thực hiện hợp đồng.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI CÔNG TY LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ KỊP THỜI!

Nguyễn Văn Thanh