Điều kiện, thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với nhà xưởng

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tư vấn về điều kiện, thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà xưởng.

Xưởng sản xuất được coi là một trong những đối tượng có nguy cơ cháy nổ cao. Trên thực tế, rất nhiều vụ hỏa hoạn xẩy ra tại các cơ sở sản xuất như nhà máy, xưởng gia công. Do vậy pháp luật có những quy định nghiêm ngặt về xin giấy phép phòng cháy chữa cháy với những cơ sở này, với điều kiện và trình tự thủ tục khắt khe hơn so với các đối tượng khác.

Câu hỏi của khách hàng: 

Chào luật sư. Tôi tên là Đức, hiện đang cư trú tại Hà Nội. Công ty tôi hiện nay muốn mở thêm một xưởng sản xuất, gia công nội thất gỗ. Tôi có phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy không ? Nếu có thì thủ tục như thế nào ? Tôi xin cảm ơn. Rất mong được luật sư giải đáp.

Luật Thái An trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi. Chúng tôi xin trả lời như dưới đây:

1. Cơ sở pháp lý:

Cơ sở pháp lý điều chỉnh về điều kiện, thủ tục xin giấy phép thiết phòng cháy chữa cháy đối với nhà xưởng là các văn bản pháp luật sau đây:

  • Luật Phòng cháy và chữa cháy
  • Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy
  • Thông tư 66/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

2. Nhà xưởng có phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy không?

Căn cứ Phụ lục I Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy gồm:

“12. Cơ sở hạt nhân; cơ sở bức xạ; cơ sở sản xuất vật liệu nổ; cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cơ sở sản xuất công nghiệp, sản xuất chế biến hàng hóa khác có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D và E.”

Căn cứ theo Phụ lục IV Nghị định 79/2014/NĐ- CP quy định danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy gồm:

“15. Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E thuộc dây chuyền công nghệ sản xuất chính có khối tích từ 1.000 m3 trở lên..”

Theo đó, có thể thấy là nếu công ty bạn muốn mở thêm một xưởng sản xuất, gia công nội thất gỗ thì đây được xem là cơ sở sản xuất chế biến hàng hóa có hạng nguy hiểm cháy nổ là hạng C (Phân xưởng xẻ gỗ, phân xưởng làm đồ mỹ thuật bằng gỗ). Vậy nên, nếu công trình sản xuất công nghiệp của công ty bạn có khối tích từ 1.000 m3 trở lên thì công trình này sẽ do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy.

3. Điều kiện để xin giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà xưởng

Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì với nhà xưởng của công ty bạn thuộc cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này nên cần đáp ứng điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy như sau:

“a) Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.

b) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.

c) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

d) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

đ) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

e) Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

g) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

h) Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều này phải được tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.”

Bên cạnh đó, việc xây dựng mới nhà xưởng sản xuất gỗ mà có khối tích từ 1.000 m3 trở lên thì cần đáp ứng điều kiện tại Điều 13 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy khi lập dự án và thiết kế xây dựng công trình thì khi lập dự án và thiết kế xây dựng mới công trình như sau:

  • Địa điểm xây dựng nhà xưởng phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình khác xung quanh.
  • Bậc chịu lửa của nhà xưởng phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của nhà xưởng; có giải pháp bảo đảm ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của nhà xưởng và với khui vực khác.
  • Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, chống nổ của nhà xưởng và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư phải bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy.
  • Lối thoát nạn, thiết bị chiếu sáng, thông gió hút khói, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu; phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn.
  • Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy của nhà xưởng phải bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy.
  • Hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng; vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của nhà xưởng theo quy định về phòng cháy và chữa cháy.
  • Trong dự án và thiết kế nhà xưởng phải có dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.
Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà xưởng
Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà xưởng là bắt buộc theo quy định của pháp luật.

4. Thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho nhà xưởng

a. Lập phương án thiết kế về phòng cháy chữa cháy cho công trình

Việc lập dự án, thiết kế công trình phải do đơn vị tư vấn thiết kế có đủ năng lực và tư cách pháp nhân thực hiện. Hồ sơ gồm có:

  • Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);
  • Bản sao văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền;
  • Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình;
  • Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy;
  • Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền, kèm theo);
  • Bản sao văn bản nêu rõ tính hợp pháp của khu đất dự kiến xây dựng công trình;
  • Bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình.

b. Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy

Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của dự án, công trình.

Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể như sau:

  • Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Không quá 05 ngày làm việc.
  • Thiết kế cơ sở: Từ 5-10 ngày

c. Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy

Trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy:

Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục và nghiệm thu bàn giao.

Chủ đầu tưthông báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy gồm:

  • Bản sao giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
  • Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
  • Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;
  • Văn bản nghiệm thu hoàn thành hệ thống, thiết bị có liên quan về phòng cháy và chữa cháy.
  • Các văn bản, tài liệu nêu trên phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế. Nếu hồ sơ thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt.

Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung sau:

  • Kiểm tra nội dung và tính pháp lý của hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do chủ đầu tư chuẩn bị;
  • Kiểm tra việc thi công, lắp đặt phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy của công trình theo thiết kế đã thẩm duyệt;
  • Tổ chức kiểm tra thử nghiệm hoạt động thực tế của các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy của công trình khi xét thấy cần thiết.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua biên bản kiểm tra nghiệm thu, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét, nếu đạt các yêu cầu thì ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán và đưa công trình vào sử dụng.

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi điều kiện và thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với nhà xưởng. Kể từ khi chúng tôi viết bài này, các quy định pháp luật có thể thay đổi. Để được tư vấn chính xác nhất và để được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật của Công ty Luật Thái An.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN

Nguyễn Văn Thanh

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG 

Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

  • Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
  • Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
  • Để được Cung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)






    1900633725
    Yêu cầu dịch vụ

    Gọi điện cho luật sư
    Gọi cho luật sư

    Tư vấn văn bản
    Tư vấn văn bản

    Dịch vụ trọn gói
    Dịch vụ trọn gói