Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục nơi tập trung đông người cũng là nơi nguy cơ cháy nổ cao và khi hỏa hoạn xảy ra thì thương vong, mất mát là lớn. Do vậy, pháp luật xác định các cơ sở đó là đối tượng phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện nói riêng. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An hi vọng sẽ làm hài lòng đói với câu trả lười của chúng tôi về điều kiện, thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện.
Câu hỏi của khách hàng
Chào luật sư. tôi tên là Minh, sinh năm 1980, hiện đang làm việc tại Lạng Sơn. Công ty tôi sắp sửa thực hiện một dự án xây dựng bệnh viện tư ở Lạng Sơn. Bệnh viện này có quy mô khá lớn với 2 tòa nhà, ước lượng đặt được gần 50 giường bệnh. Vậy cho tôi hỏi bệnh viện có cần xin giấy phép phòng cháy chữa cháy không và phải đáp ứng điều kiện gì? Nếu có thì thủ tục để xin giấy phép như thế nào? Tôi xin cảm ơn.
Luật Thái An trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi. Chúng tôi xin trả lời như dưới đây:
1. Cơ sở pháp lý điều kiện xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện
Cơ sở pháp lý quy định điều kiện, thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật Phòng cháy và chữa cháy
- Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy
- Thông tư 66/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
2. Có cần xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện không?
Căn cứ Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy như sau:
- Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường dạy nghề, trường phổ thông và trung tâm giáo dục; nhà trẻ, trường mẫu giáo.
- Bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở y tế khám chữa bệnh khác.
- Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, nhà thi đấu thể thao trong nhà, sân vận động ngoài trời; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người, công trình công cộng khác…
Theo đó, bệnh viện là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Phụ lục IV Nghị định 79/2014/NĐ- CP về Danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thì các trường hợp sau đây cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về phòng cháy chữa cháy gồm:
“2. Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông và các loại trường khác có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên.
Bệnh viện cấp huyện trở lên; nhà điều dưỡng và các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh khác có quy mô từ 21 giường trở lên.….”
Theo đó, trường hợp bệnh viện mà công ty bạn sắp triển khai xây dựng với quy mô gần 50 giường bệnh thì sẽ phải đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép về phòng cháy chữa cháy và phải xin thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy trước khi xây dựng công trình.
3. Điều kiện để xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì bệnh viện thuộc cơ sở Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này nên cần đáp ứng điều kiện an toàn để xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện như sau:

“a) Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
b) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
c) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
d) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
đ) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
e) Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
g) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
h) Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều này phải được tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.”
Bên cạnh đó, bệnh viện cần đáp ứng quy định tại Điều 11 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP về Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình cao tầng, nhà khung thép mái tôn khi các tòa nhà của bệnh viện có chiều cao trên 09 tầng hoặc từ 25 m trở lên.
Theo Điều 13 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy khi lập dự án và thiết kế xây dựng công trình thì khi lập dự án và thiết kế xây dựng mới công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (bệnh viện) thì phải bảo đảm các nội dung sau:
- Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh.
- Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; có giải pháp bảo đảm ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục của công trình và giữa công trình này với công trình khác.
- Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, chống nổ của công trình và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư phải bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Lối thoát nạn (cửa, lối đi, hành lang, cầu thang thoát nạn), thiết bị chiếu sáng, thông gió hút khói, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu; phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn.
- Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy phải bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy.
- Hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng; vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
- Trong dự án và thiết kế phải có dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.
4. Thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện
a. Lập phương án thiết kế trong giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện
Việc lập dự án, thiết kế công trình phải do đơn vị tư vấn thiết kế có đủ năng lực và tư cách pháp nhân thực hiện. Hồ sơ gồm có:
- Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);
- Bản sao văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền;
- Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình;
- Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy;
- Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền, kèm theo);
- Bản sao văn bản nêu rõ tính hợp pháp của khu đất dự kiến xây dựng công trình;
- Bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình.
b. Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy trong giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện
Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của dự án, công trình.
Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể như sau:
- Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Không quá 05 ngày làm việc.
- Thiết kế cơ sở: Từ 5-10 ngày
c. Nghiệm thu về phòng cháy và chữa trong giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện
Trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy:
Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục và nghiệm thu bàn giao.
Chủ đầu tư thông báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy gồm:
- Bản sao giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
- Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
- Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;
- Văn bản nghiệm thu hoàn thành hệ thống, thiết bị có liên quan về phòng cháy và chữa cháy.
- Các văn bản, tài liệu nêu trên phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế. Nếu hồ sơ thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt.
Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung sau:
- Kiểm tra nội dung và tính pháp lý của hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do chủ đầu tư chuẩn bị;
- Kiểm tra việc thi công, lắp đặt phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy của công trình theo thiết kế đã thẩm duyệt;
- Tổ chức kiểm tra thử nghiệm hoạt động thực tế của các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy của công trình khi xét thấy cần thiết.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua biên bản kiểm tra nghiệm thu, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xem xét, nếu đạt các yêu cầu thì ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán và đưa công trình vào sử dụng.
Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi điều kiện và thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy đối với bệnh viện. Kể từ khi chúng tôi viết bài này, các quy định pháp luật có thể thay đổi. Để được tư vấn chính xác nhất và để được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật của Công ty Luật Thái An.
- Luật sư bào chữa tội tham ô tài sản với 3 hướng là gì? - 08/05/2023
- Hợp đồng nhập khẩu: Tất cả những gì bạn cần biết - 29/04/2023
- Luật sư bào chữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - 27/04/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.