Khi nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc kinh doanh tại một nước khác thì điều anh ta quan tâm nhất là các quyền của nhà đầu tư được quy định bởi pháp luật nước nhận đầu tư. Pháp luật đầu tư của Việt Nam dù ra đời chưa quá lâu nhưng đã quy định rõ ràng về quyền của nhà đầu tư nước ngoài và các biện pháp bảo hộ. Công ty Luật Thái An sẽ phân tích cụ thể trong bài viết này:
Câu hỏi: Tôi có người bạn quốc tịch Úc muốn đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam. Được biết từ ngày 01/01/2021 có nhiều quy định mới trong lĩnh vực đầu tư. Xin hỏi Công ty luật Thái An: Các quyền của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 là gì?
Người gửi câu hỏi: Trần Bình Minh (Melbourne, bang Victoria).

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Thái An. Dưới đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm.
Như chúng ta biết, hoạt động đầu tư tại Việt Nam đang được khuyến khích nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, không phải bất cứ nhà đầu tư nước ngoài trước khi đầu tư tại Việt Nam nào cũng biết rõ quyền của mình là gì. Để hiểu các quyền của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, chúng ta hãy bắt đầu từ khái niệm nhà đầu tư.
Khái niệm nhà đầu tư
Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Luật Đầu tư 2020 phân loại nhà đầu tư theo quốc tịch, bao gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo khoản 20 Điều này thì Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư 2020, một chủ thể mới được tách ra khỏi chủ thể nhà đầu tư trong nước, đó là Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tổ chức này gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác có hoạt động đầu tư kinh doanh. Như vậy, tổ chức kinh tế theo quy định trong Luật Đầu tư 2020 mang quốc tịch Việt Nam.
Theo Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Đây là chủ thể có tư cách đặc biệt bởi, tuy tổ chức có quốc tịch Việt Nam, nhưng một trong những người có sự ảnh hưởng đến tổ chức này lại là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Bên cạnh đó theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.
Trong quy định trên, vốn có thể được hiểu là một lượng tài sản nhất định. Vốn đầu tư được giải thích tại Khoản 23 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Luật Đầu tư 2020 không đưa ra định nghĩa về hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 thì hoạt động kinh doanh có thể được hiểu là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.
Như vậy nhà đầu tư là:
- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài, không bao gồm người không có quốc tịch và tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc nước ngoài.
- Đóng góp một số lượng tài sản nhất định vào hoạt động kinh doanh.
Các quyền của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật
Quyền là những điều mà pháp luật quy định cho phép một chủ thể được thực hiện và được đảm bảo thực hiện bởi pháp luật. Do Việt Nam là nước có nguồn pháp luật chủ yếu là luật thành văn, chính vì thế, các quyền của nhà đầu tư sẽ được quy định tại các văn bản pháp luật, cụ thể như sau.
Quyền lựa chọn ngành, nghề thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư 2020: nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề khác với các ngành nghề quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Theo đó quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và phải đáp ứng đủ điều kiện đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 7 Luật này.
Quyền tự quyết trong hoạt động đầu tư kinh doanh
Theo Khoản 2 Điều 5 và các Điều khoản cụ thể khác Luật Đầu tư 2020 thì trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, thì do nhà đầu tư tự mình quyết định và phải tuân theo những điều kiện, thủ tục quy định trong Luật Đầu tư 2020 đối với:
- Lựa chọn thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều chỉnh dự án đầu tư;
- Chuyển nhượng dự án đầu tư;
- Ngừng hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư.
Nhà đầu tư có quyền lựa chọn các hình thức đầu tư kinh doanh khác nhau được quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư 2020:
Điều 21. Hình thức đầu tư
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
3. Thực hiện dự án đầu tư.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Điều đó đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư được quyền thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật (Điều 22); nhà đầu tư được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế (Điều 24) hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC) (Điều 27).
Hơn thế, Khoản 1 Điều 41 và Khoản 1 Điều 46 Luật Đầu tư 2020 cũng quy định cụ thể quyền điều chỉnh dự án đầu tư (mục tiêu, chia, tách dự án đầu tư) và sử dụng tài sản trên dự án đầu tư cũng như việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư của nhà đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện cụ thể của pháp luật.
Trường hợp nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh hoặc không còn muốn tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh nữa thì có thể thực hiện việc ngừng hoạt động dự án đầu tư (Điều 47) hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư (Điều 48) và thực hiện theo những quy trình, thủ tục do pháp luật quy định.
Quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư và thu nhập
Quyền này của nhà đầu tư được quy định tại Khoản 4 Điều 5 và Điều 10 Luật Đầu tư 2020:
- Tài sản hợp pháp của nhà đầu không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.” (Khoản 1 Điều 10)
- Nhà đầu tư sẽ được thanh toán, bồi thường nếu Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 10).
Một trong những quyền quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm là Quyền được chuyển tài sản ra nước ngoài. Bởi trên thực tế, khi các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư ở nước khác thì việc đem lại lợi ích kinh tế cho nước sở tại chỉ là mục đích phụ. Chính vì thế, nếu quy định pháp luật hạn chế việc chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
Do đó, cả Điều 11 Luật Đầu tư 2014 và Điều 12 Luật Đầu tư 2020 đã quy định cụ thể quyền này của nhà đầu tư nước ngoài như sau:
“Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài
Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:
1. Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;
2. Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;
3. Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.”
Quyền được đảm bảo hoạt động đầu tư kinh doanh
Để xây dựng nền kinh tế thị trường, Việt Nam hạn chế can thiệp vào hoạt động của thị trường nói chung, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư, nói riêng. Ngoài ra, theo cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia kí kết, đặc biệt là của WTO có rất nhiều quy định về giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan, cũng như quy định không được phép bắt buộc nhà đầu tư thực hiện những hoạt động nhất định:
“Điều 11. Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh
- Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:
a) Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;
b) Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
c) Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;
d) Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
đ) Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
e) Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
g) Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
>>> Xem ngay: 7 đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư kể từ ngày 01/01/2021
Quyền được hưởng ưu đãi trong trường hợp thay đổi pháp luật
Đối với việc khuyến khích đầu tư thì cần ổn định và minh bạch về mặt pháp luật. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng. Pháp luật Việt Nam có nhiều văn bản pháp luật đồ sộ, chồng chéo và pháp luật thường xuyên thay đổi. Điều này khiến cho các nhà đầu tư khó cập nhật được văn bản pháp luật mới nhất, đôi khi không ứng biến kịp thời với những thay đổi đó.
Để giảm thiểu khó khăn cho nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong việc ứng phó với thay đổi của pháp luật, Điều 13 Luật Đầu tư 2020 quy định đối với những nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư như sau: Nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật nào có lợi hơn.Cụ thể:
- Nếu văn bản pháp luật mới được ban hành có ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo quy định của văn bản pháp luật mới này trong thời gian ưu đã còn lại của dự án.
- Ngược lại, nếu văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.)
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về quyền của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, có thể có những thay đổi các quy định pháp luật liên quan. Do vậy bạn nên gọi tới Tổng đài tư vấn luật đầu tư để được kịp thời tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về các vấn đề đầu tư kinh doanh.
- Hợp đồng thuê căn hộ chung cư - 08/07/2023
- Luật sư bào chữa tội tham ô tài sản với 3 hướng là gì? - 08/05/2023
- Hợp đồng nhập khẩu: Tất cả những gì bạn cần biết - 29/04/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.