Chế độ bệnh nghề nghiệp và 06 điều nên biết

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp ngày một gia tăng. Bệnh nghề nghiệp đã gây ra những tổn thất lớn lao cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, việc hiểu biết những quy định pháp luật về bệnh nghề nghiệp là hết sức cần thiết, hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để biết chi tiết những quy định pháp luật này.

1. Bệnh nghề nghiệp là gì?

Tại khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

2. Danh mục bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT, Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BYT thì danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định như sau:

STT Loại bệnh nghề nghiệp Quy định hướng dẫn chẩn đoán, giám định ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BYT
1 Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp Phụ lục 1
2 Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp Phụ lục 2
3 Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp Phụ lục 3
4 Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp Phụ lục 4
5 Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp Phụ lục 5
6 Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp Phụ lục 6
7 Bệnh hen nghề nghiệp Phụ lục 7
8 Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp Phụ lục 8
9 Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp Phụ lục 9
10 Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp Phụ lục 10
11 Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp Phụ lục 11
12 Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp Phụ lục 12
13 Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp Phụ lục 13
14 Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật Phụ lục 14
15 Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp Phụ lục 15
16 Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp Phụ lục 16
17 Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp Phụ lục 17
18 Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn Phụ lục 18
19 Bệnh giảm áp nghề nghiệp Phụ lục 19
20 Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân Phụ lục 20
21 Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ Phụ lục 21
22 Bệnh phóng xạ nghề nghiệp Phụ lục 22
23 Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp Phụ lục 23
24 Bệnh nốt dầu nghề nghiệp Phụ lục 24
25 Bệnh sạm da nghề nghiệp Phụ lục 25
26 Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm Phụ lục 26
27 Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài Phụ lục 27
28 Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su Phụ lục 28
29 Bệnh Leptospira nghề nghiệp Phụ lục 29
30 Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp Phụ lục 30
31 Bệnh lao nghề nghiệp Phụ lục 31
32 Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp Phụ lục 32
33 Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp Phụ lục 33
34 Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp Phụ lục 34
35 Bệnh Covid 19 Phụ lục 35

3. Các chế độ bệnh nghề nghiệp

3.1 Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Căn cứ Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì:

  • Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
  • Khi khám sức khỏe theo quy định nêu trên lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
  • Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
  •  Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
  • Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

3.2 Hưởng hỗ trợ từ người sử dụng lao động

Theo quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015,  Điều 3,  Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH  thì người sử dụng lao động phải hỗ trợ, chi trả các khoản sau cho người lao động bị  bệnh nghề nghiệp.

3.2.1 Thanh toán chi phí y tế, viện phí 

Người lao động sẽ được thanh toán chi phí y tế, viện phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định bao gồm:

  • Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
  • Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
  • Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

3.2.2 Bồi thường cho người bị bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

  • Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp
  • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH:

Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}Trong đó:
– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
– 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
– a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị bệnh nghề nghiệp;
– 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

3.2.3 Tiền lương

Theo khoản 3 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Làm việc trong môi trường độc hại được hỗ trợ
Mắc bệnh nghề nghiệp do làm việc trong môi trường độc hại  sẽ được hỗ trợ – Nguồn ảnh minh họa: Internet

3.3 Trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm xã hội

3.3.1 Trợ cấp một lần

Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

  • Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
  • Ngoài mức trợ cấp vừa nêu, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp:
    • Từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng;
    • Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng được xác định mắc bệnh nghề nghiệp

3.3.2 Trợ cấp hàng tháng

Căn cứ Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

  • Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
  • Ngoài ra còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;

3.3.3 Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Căn cứ Điều 51 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Điều 12, Điều 13 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH thì

Người lao động bị  bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì tùy theo tình trạng  bệnh tật được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên.

Các loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình gồm:

  • Tay giả;
  • Máng nhựa tay;
  • Chân giả;
  • Máng nhựa chân;
  • Một đôi giày hoặc một đôi dép chỉnh hình;
  • Nẹp đùi, nẹp cẳng chân;
  •  Áo chỉnh hình;
  • Xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc;
  • Nạng;
  • Máy trợ thính;
  • Lắp mắt giả;
  • Làm răng giả theo số răng bị mất; lắp hàm giả do hỏng hàm;
  • Mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt đối với trường hợp bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn hoặc bị tâm thần thể kích động.
    Trường hợp vừa bị thể tâm thần kích động đồng thời bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn chỉ được cấp một lần tiền để mua các đồ dùng sinh hoạt;
  • Trường hợp cấp xe lăn hoặc xe lắc đồng thời cấp chân giả thì thời hạn sử dụng (niên hạn cấp) của mỗi phương tiện là 06 năm.

3.3.4 Trợ cấp phục vụ

Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

3.3.5 Trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  •  Người lao động đang làm việc bị chết do bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do do bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động bị chết trong thời gian điều trị bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

(Căn cứ Điều 53 Luật an toàn, vệ sinh lao động)

3.3.6 Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật được quy định tại Điều 54 Luật an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó Người lao động sau khi điều trị ổn định bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị  bệnh tật theo quy định dưới đây nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

  • Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
  • Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
  • Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

Người lao động sau khi điều trị ổn định bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị  bệnh nghề nghiệp được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

3.3.7 Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị bệnh nghề nghiệp

Trường hợp người bị bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

  • Suy giảm khả năng lao động do bị bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên;
  • Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi;
  • Đang tham gia bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị bệnh nghề nghiệp.

Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

3.3.8 Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về  bệnh nghề nghiệp

Hằng năm, Quỹ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về bệnh nghề nghiệp.

4. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Cụ thể là  Người lao động tham gia bảo hiểm bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp nêu trên.

Lưu ý: Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

5. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 58 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 bao gồm:

  • Sổ bảo hiểm xã hội.
  • Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

6. Trình tự thủ tục giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

  • Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo quy định
  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

( Căn cứ Điều 59 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015).

7. Luật sư tư vấn về bệnh nghề nghiệp

Để được hưởng đầy đủ các chế độ của bệnh nghề nghiệp, bạn nên tìm đến sự tư vấn từ các Luật sư của Công ty Luật Thái An chúng tôi.

Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm của Công ty luật Thái An sẽ tư vấn và giải đáp tất cả những vướng mắc trên phạm vi toàn quốc liên quan đến chế độ bệnh nghề nghiệp, chế độ tai nạn lao động hay pháp luật lao động và thậm chí là cả những tranh chấp lao động để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.

Việc kết nối với luật sư, chuyên gia pháp luật lao động của Công ty Luật Thái An rất đơn giản, bạn chỉ cần gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật của Chúng tôi. Ngoài ra, nếu bạn muốn trao đổi trực tiếp với luật sư của Công ty luật Thái An thì cũng có thể thể đặt lịch gặp luật sư tư vấn trực tiếp.

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CÔNG TY LUẬT THÁI AN CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT. 

>>>Xem thêm: Tư vấn luật lao động 

Nguyễn Văn Thanh