A – Z về chuyển nhượng công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

Các công ty về thực phẩm ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm để tham gia đầu tư tại thị trường nước ta. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An xin tư vấn về việc chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài là các văn bản pháp luật sau đây:

  • Luật đầu tư 2014;
  • Luật doanh nghiệp 2014;
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư;
  • Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO;
  • Các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (FTAs);
  • Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012.

Nhà đầu tư nước ngoài luôn cân nhắc hai phương án nhận chuyển nhượng, đó là nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm. Đối với phương án nhận chuyển nhượng toàn bộ thì phụ thuộc vào quy định của pháp luật về điều kiện đối với đầu tư nước ngoài. Chúng ta hãy cùng xem xét từng trường hợp dưới đây:

2. Điều kiện chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành nghề sản xuất, chế biến thực phẩm

Theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và theo Pháp luật Việt Nam thì không có hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, thành lập công ty liên doanh với đối tác Việt Nam, hoặc mua cổ phần/vốn góp của công ty Việt Nam.

Đối với trường hợp mua cổ phần, vốn góp, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua một phần hoặc toàn bộ cổ phần/vốn góp, các bước thực hiện sẽ trình bầy sau đây:

3. Chuyển nhượng một phần vốn góp/cổ phần công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

a)    Bước 1: Ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn góp/cổ phần

Bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng ký kết hợp đồng theo kết quả đàm phán, thương lượng giữa hai bên. Khi các bên hoàn thành nghĩa vụ với nhau thì ký kết Biên bản thanh lý hợp đồng. Hai tài liệu này sẽ là một phần không thể thiếu trong bước tiếp theo.

b)    Bước 2: Xin chấp thuận mua phần vốn góp/cổ phần từ Sở Kế hoạch Đầu tư

Đối với sản xuất, chế biến thực phẩm là ngành nghề không có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài nên chỉ phải xin chấp thuận của Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh/thành phố nơi công ty Việt Nam đặt trụ sở nếu việc chuyển nhượng dẫn tới việc vốn nước ngoài chiếm từ 51% trở lên (nếu vốn nước ngoài chiếm từ 50% trở xuống thì không cần xin chấp thuận).

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp;
  • Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài: Bản sao Giấy phép thành lập hoặc tài liệu tương đương.
  • Thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài kèm theo Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư (nếu NĐT là pháp nhân) hoặc Sao kê tài khoản vốn đầu tư chứng mình NĐT đã góp đủ vốn (nếu NĐT là cá nhân)

Trường hợp hồ sơ đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

c)    Bước 3: Thông báo cho Sở Kế hoạch đầu tư về việc thay đổi cổ đông, thành viên góp vốn

Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư làm thủ tục thông báo cho Sở Kế hoạch đầu tư về việc thay đổi cổ đông, thành viên góp vốn.

Hồ sơ cần có:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp/cổ phần, Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng
  • Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:
    • Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực trường hợp thành viên mới là cá nhân;
    • Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác trường hợp thành viên mới là tổ chức; Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện theo uỷ quyền và quyết định ủy quyền tương ứng;
  • Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;

Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc.

chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm
6 vấn đề cốt lõi khi chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm mà bạn cần quan tâm – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4. Chuyển nhượng toàn bộ vốn góp/cổ phần công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

Nhà đầu tư có thể mua lại toàn bộ công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần.

a)    Chuyển nhượng công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần

Thủ tục chuyển nhượng toàn bố vốn góp/cổ phần tương tự như thủ tục chuyển nhượng một phần vốn góp/cổ phần, tuy nhiên cần thực hiện thêm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hồ sơ chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm gồm có:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
  • Quyết định về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật
  • Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật.
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật mới.

Chi tiết có tại bài viết Thay đổi người đại diện theo pháp luật.

b)     Chuyển nhượng công ty TNHH 1 thành viên

Các bước thực hiện tương tự như đã trình bầy ở mục 3 ở trên, chỉ khác ở bước 3 (thay đổi cổ đông/thành viên góp vốn) bạn cần làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu công ty. Chi tiết có tại bài viết Thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên.

5. Các lợi ích đối với nhà đầu tư nước ngoài từ việc chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

Nhà đầu tư có những lợi ích vô cùng to lớn khi có được những tài sản mà không mất thời gian thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm:

  • Thương hiệu cùng các quyền sở hữu trí tuệ liên quan:
    • Nhãn hiệu hàng hóa
    • Bí mật kinh doanh
  • Quyền sử dụng đất: Nhà đầu tư nước ngoài được quyền sử dụng đất tại địa điểm hiện có của doanh nghiệp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc theo hợp đồng thuê đất. Lưu ý: Nhà đầu tư nước ngoài có quyền sử dụng đất, thuê đất có thời hạn theo quy định của Luật Đất đai.
  • Giấy phép con: Nhà đầu tư nước ngoài có được các giấy phép con dưới đây. Tuy nhiên cần làm thủ tục thay đổi tên người đại diện theo pháp luật trên giấy phép.
    • Giấy phép đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy
    • Giấy phép đủ điều kiện về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm
    • Quyết định chấp thuận về môi trường của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
    • Giấy phép lưu hành sản phẩm, công bố sản phẩm
    • …..
  • Các kênh phân phối, các khách hàng, các đối tác
  • Nhân sự và bộ máy quản lý
  • Hàng hóa trong kho cùng toàn bộ các tài sản hữu hình khác.

6. Thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

Thu nhập tăng thêm từ việc chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu bên chuyển nhượng là cá nhân) hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu bên chuyển nhượng là tổ chức).

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định:

[Thuế] = 20% x [Thu nhập chịu thuế]

[Thu nhập chịu thuế] = [Giá chuyển nhượng] – [Giá mua của phần vốn chuyển nhượng] – [Chi phí chuyển nhượng]

Trong đó:

Giá chuyển nhượng

  • Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.
  • Trường hợphợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.
  • Doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp mà giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định lại toàn bộ giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp chuyển nhượng.
  • Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc căn cứ giá chuyển nhượng vốn của các trường hợpkhác ở cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tương tự tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp việc ấn định giá chuyển nhượng của cơ quan thuế không phù hợp thì được căn cứ theo giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định giá chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng theo đúng quy định.

Giá mua của phần vốn chuyển nhượng

Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định đối với từng trường hợp như sau:

  • Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng vốn trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
  • Nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

Chi phí chuyển nhượng vốn góp/cổ phần của công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

  • Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóađơn hợp pháp. Trường hợp chi phí chuyển nhượng phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc đó phải được một cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước có chi phí phát sinh xác nhận và chứng từ phải được dịch ra tiếng Việt (có xác nhận của đại diện có thẩm quyền).
  • Chi phí chuyển nhượng bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.

7. Dịch vụ chuyển nhượng vốn góp/cổ phần công ty sản xuất, chế biến thực phẩm

Luật pháp Việt Nam có những quy định chặt chẽ về hoạt động kinh doanh đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng. Nếu không am hiểu pháp luật đầu tư Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng có những hành vi vi phạm pháp luật và phải gánh rủi ro pháp lý. Để được tư vấn một cách đầy đủ, nhà đầu tư nước ngoài nên tham khảo dịch vụ của chúng tôi.

 

Lưu ý

  • Bài viết trên được các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Thái An – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thực hiện phục vụ với mục đích phố biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng hoặc nghiên cứu khoa học, không có mục đích thương mại.
  • Bài viết căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại thời điểm Bạn đọc bài viết này, rất có thể các quy định pháp luật đã bị sửa đổi hoặc thay thế.
  • Để giải đáp pháp lý cho từng vụ việc, Bạn hãy liên hệ với Công ty Luật Thái An qua Tổng đài tư vấn pháp luật. Nếu bạn cần dịch vụ, Bạn để lại tin nhắn hoặc gửi thư tới contact@luatthaian.vn.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN
Đối tác pháp lý tin cậy

Nguyễn Văn Thanh

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG 

Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

  • Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
  • Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
  • Để được Cung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)






    1900633725
    Yêu cầu dịch vụ

    Gọi điện cho luật sư
    Gọi cho luật sư

    Tư vấn văn bản
    Tư vấn văn bản

    Dịch vụ trọn gói
    Dịch vụ trọn gói