Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội phạm hình sự là gì?

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Bộ Luật hình sự 2015 là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án xem xét, quyết định giảm nhẹ hình phạt đối với người phạm tội. Quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội để đạt được mục tiêu cao nhất là giáo dục, cải tạo tội phạm. Bởi lẽ chỉ khi con người tự giác, ý thức được pháp luật thì tội phạm mới được xóa bỏ triệt để.

1. Cơ sở pháp lý quy định các tình tiết giảm nhẹ đối với tội phạm hình sự

Cơ sở pháp lý quy định các tình tiết giảm nhẹ đối với tội phạm hình sự là Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015; sửa đổi, bổ sung 2017.

2. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì?

Trách nhiệm hình sự người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình.

Hiện nay, để tăng tính nghiêm khắc, hiệu quả của trách nhiệm hình sự thì Bộ Luật hình sự đã quy định ngoài cá nhân thì pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, khái niệm trách nhiệm hình sự đã được mở rộng về chủ thể. Điều này là hoàn toàn hợp lý.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể giảm đi, là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định hình phạt cụ thể đối với người phạm tội.

3. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015. Tuy nhiên, khác với tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ không chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự như mọi người vẫn quan niệm mà nó còn được quy định trong các văn bản pháp luật khác hoặc do Tòa án quyết định đó là tình tiết giảm nhẹ.

Sở dĩ có quy định nới rộng về các tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội cũng là vào chính sách nhân đạo của nhà nước, thể hiện nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án sẽ xem xét để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Để xác định những tình tiết nào thuộc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các nhà làm luật thường căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; các tình tiết phản ánh khả năng giáo đục, cải tạo phạm nhân và các tình tiết phản ánh được hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội.

Trước hết là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015, đó là:

a. Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm, là tình tiết giảm nhẹ

Tình tiết giảm nhẹ được quy định đầu tiên trong Điều 51 Bộ Luật hình sự là Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” (điểm a khoản 1). Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm và nếu không có gì ngăn cản thì tác hại của tội phạm sẽ xảy ra hoặc xảy ra lớn hơn nhưng người phạm tội đã ngăn chặn không để cho tác hại xảy hoặc đã hạn chế được tác hại của tội phạm. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi này sẽ làm giảm đáng kể hậu quả thiệt hại xảy ra.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết này không chỉ phụ thuộc vào thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hành vi ngăn chặn hoặc giảm bớt tác hại mà còn phụ thuộc vào thực tế tác hại được ngăn chặn hoặc hạn chế như thế thế nào. Bởi điều này phản ánh rõ rất thái độ đi kèm với hành động thật sự mong muốn thiệt hại được ngăn chặn hoặc được giảm bớt của người phạm tội.

Nếu trên thực tế thiệt hại không được ngăn chặn hoặc được giảm bớt cho dù người phạm tội có những hành vi với mục đích này thì có thể không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Đây là quy định nhằm loại trừ người phạm tội thực hiện hành vi giả tạo nhằm hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

b. Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, là tình tiết giảm nhẹ

Tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự. Người phạm tội sẽ được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ này khi đã gây ra hậu quả thiệt hại và đã tự nguyện thực hiện các hành vi khắc phục hậu quả của tội phạm là sửa chữa tài sản bị hư hỏng, bồi thường về vật chất thiệt hại về tài sản, thể chất, tinh thần hoặc có những hành vi khác khắc phục hậu quả của tội phạm.

Điều kiện cần của tình tiết giảm nhẹ này là tinh thần “tự nguyện” nghĩa là việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả của người phạm tội phải xuất phát từ lí trí, ý chí, nhận thức của họ mà không bị ai ép buộc, đe dọa. Vì khi đó mới cho thấy thái độ hối hận, nhận thức được lỗi lầm của mình và muốn bù đắp cho người bị thiệt hại hoặc gia đình họ.

Điều kiện đủ để người phạm tội được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b là việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả đạt được trên thực tế. Cũng giống như tình tiết giảm nhẹ ở trên, trong tình tiết giảm nhẹ này Tòa án còn phải căn cứ vào kết quả đạt được tới đâu, có kết quả không, nhiều hay ít để căn nhắc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Nếu đủ cả hai điều kiện trên, xét thấy người phạm tội đã ăn năn, hối lỗi thì việc người phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là điều đúng đắn.

Ví dụ như: Do không kiểm soát được tốc độ nên A đã đâm B làm B tử vong. Ngay sau khi sự việc xảy ra A đã đến gia đình B xin lỗi và đề bù cho gia đình B một khoản tiền lo hậu sự.

c. Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, là tình tiết giảm nhẹ

Để tìm hiểu thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tại khoản 2 Điều 22 Bộ Luật hình sự 2015 quy định:

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy him cho xã hội của hành vi xâm hại.

Đây là trường hợp phạm tội có động cơ là phòng vệ. Hành vi phạm tội xảy ra là do người phòng vệ đã vượt quá giới hạn luật cho phép. Vậy có hai điều kiện để xem xét người đó có thuộc trường hợp tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.

Thứ nhất, hành vi của người phạm tội xuất phát từ động cơ phòng vệ.

“Phòng vệ ” được hiểu là hành vi chống trả lại người đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới người phạm tội. Hành vi chống trả đó phải nhằm vào người đang có hành vi xâm hại nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi này có thể gây ra.

Sự chống trả này có thể là vào bản thân người tấn công hoặc cũng có thể vào công cụ, phương tiện người đó đang sử dụng để thực hiện hành vi xâm phạm. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh việc các nhà làm luật sử dụng từ “đang”. Hành vi xâm phạm của người tấn công phải đang diễn ra trên thực tế như đang cầm gạch đánh mạnh vào đầu, đang cầm dao chém…

Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh điều này là bởi vì nếu hành vi xâm hại của người tấn công chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc mà người phạm tội sử dụng các biện pháp nhằm gây thiệt hại cho đối phương thì đó không được coi là phòng vệ chính đáng.

Ví dụ: A đấm nhiều nhát vào mặt B cho tỏa cơn tức sau đó quay lưng rời đi. Thấy vậy, do muốn trả đũa A nên B đã cầm dao giết chết A.

Đối với người có hành vi xâm phạm là trẻ em, người không có năng lực trách nhiệm hình sự do mắc các bệnh. Trên thực tiễn khi đưa ra xét xử đối với trường hợp này thì cơ quan xét xử chỉ thừa nhận hành vi gây thiệt hại cho người này là phòng vệ chính đáng khi không còn biện pháp khác để ngăn chặn. Đây là biểu hiện rất rõ của nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam.

Thứ hai, hành vi phạm tội xảy ra là do người phòng vệ đã vượt quá giới hạn luật cho phép

Phòng vệ vượt quá giới hạn pháp luật cho phép ở đây được hiểu là việc người phạm tội thực hiện các hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy him cho xã hội của hành vi xâm hại. Đây là căn cứ vô cùng quan trọng để phân định giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, việc áp dụng vào trường hợp nào sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau. Nếu người phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Thông thường để xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì sẽ dựa vào căn cứ sau đây:

  • Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm phạm
  • Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra
  • Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi xâm phạm
  • Phương tiện, công cụ, hoàn cảnh…

d. Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, là tình tiết giảm nhẹ

Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự. Các quy định của pháp luật về tình tiết giảm nhẹ do người phạm tội do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết để tạo cơ sở pháp lý, khuyến khích mọi người có hàng động ích, phù hợp với yêu cầu của xã hội khi đứng trước một thiệt hại đang xảy ra hoặc đang bị đe dọa xảy ra ngay. 

Trường hợp này có tính chất tương tự như tình tiết giảm nhẹ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Để hiểu thế nào là tình thế cấp thiết và vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, khoản 2 Điều 23 Bộ Luật hình sự 2015 đã có quy định:

1.Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp chủ thể có cơ sở để được hành động trong tình thế cấp thiết nhưng đã vượt quá phạm vi cho phép. Nếu như trong khoản 1 quy định người hành động trong tình thế cấp thiết khi gây ra thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Điều này có nghĩa khi thiệt hại gây ra không nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa tình không được xếp vào trường hợp tình thế cấp thiết.

Vậy căn cứ nào để xác định thiệt hại xảy ra nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa? Dựa vào tính chất thiệt hại hay mức độ thiệt hại… Đây vẫn còn là vấn đề vướng mắc và càng khó khăn hơn đối với người đứng trước sự đe dọa gây thiệt hại mà pháp luật buộc họ phải lựa chọn hành vi xử sự để ngăn chặn sự đe dọa đó. Đã là tình thế cấp thiết thì liệu họ có đủ thời gian, đủ tỉnh táo, hoàn cảnh thuận lợi để họ đưa ra lựa chọn gây ra thiệt hại ít hơn hay không?

Do vậy, pháp luật hình sự Việt Nam chỉ coi việc gây thiệt hại là không hợp pháp khi thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết và chủ thể có lỗi với việc vượt quá đó.

Do tính chất của động cơ và hoàn cảnh phạm tội đặc biệt như vậy mà vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết được quy định là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

đ. Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, là tình tiết giảm nhẹ

Tại điểm đ khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự quy định trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì người phạm tội được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới được quy định trong Bộ Luật hình sự năm 2015. Người phạm tội trong trường hợp này có động cơ bắt giữ người phạm tội nhưng khi thực hiện việc này họ đã dùng vũ ực, gây thiệt hại cho người bị bắt giữ vượt quá mức cần thiết. Để cụ thể trường hợp này, khoản 2 Điều 24 Bộ Luật hình sự đã quy định”

Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Việc sử dụng vũ lực rõ ràng là quá mức cần thiết cho việc bắt giữ và đã vượt quá phạm vi cho phép. Đó là hai nguyên nhân chính dẫn tới việc sử dụng vũ lực để bắt giữ người đã không còn là hợp pháp. Theo dó, để xét người phạm tội có thuộc trường hợp được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này không thì phải căn cứ vào hai yếu tố:

  • Việc người sử dụng vũ lực là cách duy nhất để có thể bắt được người thực hiện tội phạm. Đối tượng bị xâm hại đó chính là người thực hiện tội phạm và có căn cứ rõ ràng là người này phạm tội như trường hợp bắt quả tang, người bị truy nã… Nếu người đó không thực hiện tội phạm mà người phạm tội dùng vũ lực để bắt giữ thì sẽ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
  • Việc sử dụng vũ lực vượt quá mức độ cần thiết để bắt giữ người. Việc quá mức độ cần thiết sẽ được xem xét trên mối tương quan giữa sự chống trả việc bắt giữ người của người bị bắt giữ và khả năng bắt giữ của người bắt giữ. Nếu việc chống trả của người bị bắt giữ là quyết liệt, mang tính sống còn thì việc sử dụng vũ lực mạnh là điều khó tránh khỏi.

e. Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra, là tình tiết giảm nhẹ

Điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự đã quy định phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra là một trong những tình tiết giảm nhẹ. Đây là trường hợp người phạm tội thực hiện tội phạm trong tình trạng bị hạn chế về khả năng kiểm soát và khả năng điều khiển hành vi do tác động của hành vi trái pháp luật của nạn nhân. Mức độ giảm nhẹ trong từng trường hợp cụ thể tùy thuộc trước hết vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tác động…

Để hưởng tình tiết giảm nhẹ này, người phạm tội là do bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân. Nghĩa là nạn nhân đã thực hiện các hành vi trái pháp luật như đấm, đá mạnh, tát liên tiếp, lăng mạ, sỉ nhục… tới người phạm tội. Thời điểm mà người phạm tội thực hiện hành vi là khi hành vi trái pháp luật của nạn nhân đang và đã diễn ra (liền ngay sau đó). Điều này cho phép phân định được người đó có được hưởng tình tiết giảm nhẹ này hay không.

Ví dụ: A với B đang nô đùa nhau nhưng B đấm A quá tay khiến A rất bực tức bỏ về. Mấy ngày sau nghĩ lại sự việc thấy vẫn còn uất ức, A cầm dao đến nhà giết B. Trong trường hợp này không được xếp vào trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

f. Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra, là tình tiết giảm nhẹ

Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự. Tình tiết giảm nhẹ này được áp dụng với người phạm tội thực hiện tội phạm vì bị chi phối bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do khách quan đưa lại. Trong đó, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hiểu là hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều so với mức bình thường, có thể do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn hoặc do nguyên nhân khách quan khác.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ khó khăn và mức độ cố gắng tìm cách khắc phục của người phạm tội. Pháp luật xét thấy, nếu người phạm tội đã cố gắng hết sức mình về cả ý chí và lý trí khắc phục khó khăn hết mức có thể nhưng hoàn cảnh khách quan đem lại không thể kiếm soát được thì việc phạm tội sẽ được xem xét hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Ví dụ: Do dịch bệnh ngăn cách xã hội, gia đình của A không còn gì để ăn, càng không có tiền mua thực phẩm lâm vào cảnh sắp chết đói. A liều mình đi trộm nhà C vì họ đã bị đưa đi cách ly.

g. Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn, là tình tiết giảm nhẹ

Khi người phạm tội gây thiệt hại nhưng chưa có thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra chưa lớn thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015. Trường hợp phạm tội có tình tiết này giống trường hợp phạm tội có tình tiết ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm ở chỗ thiệt hại của tội phạm không xảy ra hoặc xảy ra không lớn nhưng khác nhau ở nguyên nhân dẫn đến việc không xảy ra thiệt hại hoặc xảy ra không lớn.
Trường hợp chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn có nguyên nhân là nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội; còn trong trường hợp ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm, người phạm tội đã có hành động tích cực để có được kết quả đó. Do hậu quả của tội phạm cũng là yếu tố quyết định mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nên luật hình sự coi trường hợp chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại gây ra không lớn là trường hợp được giảm nhẹ trách nhiệm.

h. Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, là tình tiết giảm nhẹ

Đây là trường hợp lần đầu tiên phạm tội và tội phạm đã được thực hiện phải là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc là tội phạm nghiêm trọng nhưng phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015. Để áp dụng tình tiết này người phạm tội phải thỏa mãn hai điều kiện

  • Một là phạm tội lần đầu: được hiểu là phạm tội thuộc một trong các trường hợp là: Trước đó chưa phạm tội lần nào; trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.”
  • Hai là tội phạm mà họ thực hiện phải là tội ít nghiêm trọng, hoặc nếu không thì trường hợp phạm tội của họ phải có nhiều yếu tố làm cho trường hợp đó trở nên ít nghiêm trọng.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này phụ thuộc nhiều vào mức độ ít nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Ví dụ: A thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản mà trước đó chưa phạm tội lần nào thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

i. Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức, là tình tiết giảm nhẹ

Người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do bị chi phối bởi ý chí của người khác thông qua hành vi đe dọa hoặc cưỡng bức. Do bị đe dọa hoặc cưỡng bức nên người phạm tội không hoàn toàn tự do lựa chọn, điều khiển hành vi của mình mà bị buộc phải thực hiện tội phạm theo ý chí của người có hành vi đe dọa hoặc cưỡng bức.

Đe dọa trong trường hợp này được hiểu là đe dọa sẽ gây thiệt hại như dọa sẽ gây thương tích, dọa sẽ hủy hoại tài sản… nếu người bị đe dọa không thực hiện tội phạm theo ý muốn của mình. Cưỡng bức là hành vi dùng vũ lực uy hiếp tinh thần người khác để buộc họ phải thực hiện tội phạm theo ý muốn của mình như đánh đập hoặc giam giữ người bị cưỡng bức…

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này tùy thuộc nhiều vào mức độ bị đe dọa hoặc cưỡng bức.

Ví dụ: A đe dọa B nếu không vận chuyển ma túy cho A thì sẽ cử người giết B và cả gia đình B.

tình tiết giảm nhẹ
Hiểu rõ về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ bảo vệ quyền hợp pháp của người phạm tội – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

k. Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra, là tình tiết giảm nhẹ

Việc hạn chế khả năng nhận thức cũng có thể được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội. Đây là tình tiết mới được quy định trong điểm l khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự năm 2015. Người phạm tội trong trường hợp này đã thực hiện tội phạm trong tình trạng bị hạn chế khả năng nhận thức hành vi và tình trạng này không phải do lỗi của chủ thể như do bị lừa dối nên đã sử dụng nhầm chất kích thích mạnh.

Ví dụ: A lừa B hít phải ma túy có nồng độ mạnh nên B đã giết chết C khi đang bị hạn chế khả năng nhận thức hành vi.

l. Phạm tội do lạc hậu, là tình tiết giảm nhẹ

Điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015 quy định người phạm tội do lạc hậu sẽ được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đó là trường hợp phạm tội trong đó người phạm tội do trình độ nhận thức lạc hậu nên có sự nhận thức hạn chế tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và do vậy đã thực hiện tội phạm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu như yếu tố địa lý (sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh), yếu tố dân tộc (người dân tộc thiểu số), yếu tố văn hóa tín ngưỡng (mê tín, hủ tục),…

Khi cân nhắc mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này cần căn cứ vào mức độ lạc hậu của người phạm tội trong điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương – nơi người phạm tội sinh sống.

m. Người phạm tội là phụ nữ có thai, là tình tiết giảm nhẹ

Tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015. Theo đó, nếu người phụ nữ phạm tội trong thời gian đang mang thai thì sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tình tiết này được qui định chủ yếu là xuất phát từ chính sách nhân đạo nhưng cũng có phần là do tình trạng sức khỏe và tình trạng tâm – sinh lí của người phụ nữ có thể bị ảnh hưởng khi mang thai.

Người phụ nữ như bình thường được xem là bên yếu thế cần được bảo vệ. Điều đó lại càng cần thiết hơn đối với phụ nữ mang thai. Nhưng nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách này để thực hiện hành vi phạm tội và hưởng án phạt nhẹ nhất.

n. Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên, là tình tiết giảm nhẹ

Theo như điểm o khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015 quy định thì người phạm tội đủ 70 tuổi trở lên có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định thay cho tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được quy định trong Bộ Luật hình sự năm 1999: “Người phạm tội là người già”. Việc quy định tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ xuất phát chủ yếu từ nguyên tắc nhân đạo và có tính đến đặc điểm tâm – sinh lí ở lứa tuổi này.

Ở độ tuổi này, sức khỏe, thể trạng của người phạm tội đã già yếu, tâm sinh lý, nhận thức cũng không còn minh mẫn, sáng suốt như người bình thường. Vì vậy áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với họ là điều cần thiết.

o. Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, , là tình tiết giảm nhẹ

Đây là tình tiết giảm nhẹ TNHS mới được quy định trong điểm p khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự năm 2015. Trước hết, ta cần hiểu một số thuật ngữ dưới đây:

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày

Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Việc quy định tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Bởi các đặc điểm này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội là người khuyết tật.

p. Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, là tình tiết giảm nhẹ

Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015. Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể đã phạm tội khi đang trong tình trạng bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi do mắc bệnh.

Tình tiết này ảnh hưởng đến mức độ lỗi của người phạm tội vì người phạm tội ở đây là người mắc bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi hạn chế, do đó, trách nhiệm hình sự của họ cũng hạn chế, họ được giảm nhẹ so với những trường hợp phạm tội thông thường. Nên các nhà làm luật cho rằng đây là căn cứ để quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ phụ thuộc vào mức độ hạn chế khả năng nhận thức hoặc mức độ hạn chế khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội.

q. Người phạm tội tự thú, là tình tiết giảm nhẹ

Điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015 quy định tự thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ tuy chưa bị phát hiện là người phạm tội nhưng chủ thể đã tự đến cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo về hành vi phạm tội của mình.

Tình tiết này phản ánh khả năng cải tạo của người phạm tội. Để được coi là tự thú, người phạm tội phải chủ động đến cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo về hành vi của mình trước khi tội phạm bị phát hiện. Quy định này phù hợp với nguyên tắc xử lý “khoan hồng đối với người tự thú” ghi nhận tại điểm d Điều 3 Bộ Luật hình sự năm 2015. Qua đó đã khuyến khích những người thực hiện phạm tội tự mình thừa nhận hành vi của mình trước khi bị phát hiện.

r. Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là tình tiết giảm nhẹ

Đây là trường hợp người phạm tội đã khai rõ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện, đã có biểu hiện thể hiện rõ đã day dứt, hối hận về việc thực hiện tội phạm và mong muốn sửa chữa lỗi lầm thông qua việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tích cực lao động…(điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự). Chính sách này đã rỏ ra khá hiệu quả trên thực tế về công tác phòng chống tội phạm.

Để được giảm nhẹ, người phạm tội chỉ cần thỏa mãn một trong hai điều kiện: thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải. Thành khẩn khai báo được hiểu là trường hợp người phạm tội đã tự nguyện khai báo rõ ràng, chính xác về toàn bộ hành vi phạm tội của mình và những người đồng phạm khác.

Ăn năn hối cải được hiểu là người phạm tội sau khi thực hiện hành vi cảm thấy day dứt, thể hiện thái độ hối hận của mình vì đã thực hiện tội phạm, đồng thời thể hiện mong muốn cải tạo tốt để sửa chữa lỗi lầm thông qua việc chấp hành pháp luật, tích cực lao động, sản xuất,…

Ví dụ: A bị bắt vì hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã, do thành khẩn khai báo hành vi phạm tội và các đồng phạm nên A được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

s. Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, là tình tiết giảm nhẹ

Tình tiết giảm nhẹ này được quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015. Đây là trường hợp người phạm tội đã cung cấp các bằng chứng, tài liệu, tin tức cho cơ quan có trách nhiệm hoặc làm mọi việc theo yêu cầu của các cơ quan đó để phát hiện hoặc giải quyết vụ án về tội phạm mà họ tham gia thực hiện hoặc về tội phạm khác hoặc người phạm tội khác có liên quan mà họ biết.
Để được coi là “tích cực giúp đỡ”, người phạm tội phải cung cấp bằng chứng, tài liệu, tin tức cho cơ quan có trách nhiệm hoặc thực hiện đúng các yêu cầu của các cơ quan đó. Việc làm của người phạm tội đã giúp các cơ quan có trách nhiệm phát hiện ra tội phạm hoặc điều tra tội phạm một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tình tiết này phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của hành vi tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.
t. Người phạm tội đã lập công chuộc tội, là tình tiết giảm nhẹ

Tình tiết giảm nhẹ này được áp dụng trong trường hợp người phạm tội đã có thành tích đột xuất, tương đối đặc biệt. Để áp dụng tình tiết này, người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đã có thành tích, hành động tích cực đáng hoan nghênh nhằm chuộc lại phần nào lỗi lầm mà họ đã gây ra.

Thành tích có thể là việc cứu người trong tình trạng nguy hiểm, cứu hỏa,…thể hiện sự hối lỗi và quyết tâm cải tạo của người phạm tội. Việc lập công này đã thể hiện phần nào sự hối hận cũng như quyết tâm cải tạo của người phạm tội. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thành tích đạt được và mức độ tích cực của người phạm tội.

u. Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác, là tình tiết giảm nhẹ

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được hướng dẫn vận dụng cho các trường hợp người phạm tội được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng lao động sáng tạo, bằng khen của Chính phủ hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua.

Ví dụ: A là nhà giáo nhân dân đã gây thương tích nghiêm trọng cho B vì mâu thuẫn cá nhân. Trong trường hợp này A sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

v. Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, là tình tiết giảm nhẹ

Căn cứ vào điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự thì đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc quy định tình tiết này chủ yếu xuất phát từ chính sách của nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân của liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc.
Ví dụ: A thực hiện hành vi buôn lậu nhưng là con trai của liệt sĩ nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

5. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác

Ngoài các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 51 Bộ Luật hình sự 2015, như chúng tôi đã lưu ý ở trên, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc “tình tiết khác” là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Trong đó, căn cứ Điểm 5 Mục I Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 và Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP thì các “tình tiết khác” bao gồm:

  • Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
  • Bị cáo có anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
  • Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
  • Người bị hại cũng có lỗi;
  • Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
  • Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
  • Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
  • Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

Và trong từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

 

Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về các tình tiết giảm nhẹ với người phạm tội hình sự. Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, luật pháp đã có thể thay đổi các quy định liên quan. Hãy gọi tới Tổng đài tư vấn Luật Hình Sự. Bạn sẽ được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về các vấn đề liên quan tới tội phạm hình sự.

Nguyễn Văn Thanh